Quy định về con dấu theo Luật doanh nghiệp 2020

"Điểm mới về con dấu doanh nghiệp áp dụng từ 01/01/2021" - Con dấu là tài sản có giá trị quan trọng đối với doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì con dấu là một trong những dấu hiệu để xác định một tổ chức có phải là pháp nhân hay không? Luật doanh nghiệp 2020 đã có nhiều điểm thay đổi đáng kể so với Luật doanh nghiệp 2014 về con dấu. Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020. Dưới đây là tổng hợp 04 thay đổi quan trọng về con dấu của Luật này từ ngày 01/01/2021.

Xem thêm:

Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về dấu của doanh nghiệp và Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về con dấu của doanh nghiệp thì có 04 điểm mới về con dấu doanh nghiệp cụ thể như sau:

Luật Doanh nghiệp 2020 Luật Doanh nghiệp 2014

Điều 43. Dấu của doanh nghiệp

1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành.

Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Con dấu của doanh nghiệp

 1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp.Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:a) Tên doanh nghiệp;b) Mã số doanh nghiệp.

 2. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

 4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

 5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Thứ nhất, Chữ ký số là dấu của doanh nghiệp

Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 đã ghi nhận tên điều luật là “Dấu của doanh nghiệp” trong khi Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nội dung này với tên “Con dấu của doanh nghiệp”. Sự khác biệt này chính từ sự ghi nhận hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử là một hình thức mới của dấu doanh nghiệp.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 quy định 02 hình thức của dấu doanh nghiệp, bao gồm:

  • Dấu được làm tại cơ sở khắc dấu;
  • Dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử

Cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì “chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử .

Bởi vậy, hiện nay việc đóng dấu trực tiếp vào các văn bản đang dần trở nên không cần thiết theo quy định pháp luật. Trước kia, theo quy định Luật doanh nghiệp 2014, “con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu”.

Theo đó, hợp đồng giao dịch dân sự, thương mại của các bên không nhất thiết phải có con dấu mà chỉ bắt buộc theo quy định trong Luật kế toán, Luật thuế giá trị gia tăng hay theo yêu cầu riêng của ngân hàng cần phải đóng dấu vào các tài liệu, sổ sách.

Tuy nhiên, từ khi có Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý thuế cũng như các biểu mẫu kế toán cho phép doanh nghiệp lựa chọn đóng dấu hoặc sử dụng chữ ký số trong các chứng từ, hoá đơn, tài liệu (ngoại trừ sổ kế toán vẫn phải đóng dấu giáp lai).

Như vậy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều cách thức khác để xác tín cho các giao dịch của doanh nghiệp, điển hình là việc sử dụng chữ ký số với đầy đủ thông tin về tên doanh nghiệp, mã số thuế, phạm vi sử dụng...Vì vậy, từ ngày 01/01/2021, chữ ký số được công nhận là một hình thức dấu của doanh nghiệp.

Thứ hai, về nội dung con dấu và quyết định dấu của chi nhánh, VPĐD và đơn vị khác của doanh nghiệp

So với Luật doanh nghiệp năm 2014: Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây: a) Tên doanh nghiệp; b) Mã số doanh nghiệp. thì Luật doanh nghiệp mới đã thay đổi hoàn toàn quy định này khi trao hoàn toàn quyền quyết định về nội dung con dấu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được quyết định nội dung về dấu của mình và không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định nào như pháp luật hiện hành. Theo đó, pháp luật trao toàn quyền quyết định về dấu cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Theo khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD và đơn vị khác của doanh nghiệp. Trong khi đó, pháp luật hiện hành không cho phép doanh nghiệp quyết định dấu của chi nhánh, VPĐD và đơn vị khác của doanh nghiệp mà dấu của các đơn vị này sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Thứ ba, Doanh nghiệp không cần thông báo mẫu dấu

Hiện nay, theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: "Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp".

Tuy nhiên, Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trước khi sử dụng, doanh nghiệp không phải thông báo mẫu con dấu doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp như quy định của pháp luật hiện hành.

Đây là quy định mới tiến bộ, phù hợp với quá trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và ủng hộ vì không chỉ giảm được thời gian và công sức của mình mà còn giảm được gánh nặng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình hoàn thành các thủ tục cho doanh nghiệp.

Thứ tư, Quản lý, lưu giữ dấu theo quy chế của chi nhánh, VPĐD hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp

Theo khoản 3 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì việc quản lý và lưu giữ dấu được thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc theo quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Theo đó, trường hợp chi nhánh, VPĐD hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp tự ban hành dấu thì tự quy định về quy chế quản lý và lưu giữ dấu của mình mà không phụ thuộc vào Điều lệ công ty.

Ngoài ra, từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp chỉ được sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật. Điểm này khác với quy định hiện hành khi con dấu được sử dụng cả trong trường hợp các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

Quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020 như đã phân tích nêu trên là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên thế giới khi có hơn 100 quốc gia đã bỏ yêu cầu phải có con dấu trong hoạt động của doanh nghiệp. Đây là bước đi cần thiết và là xu thế tất yếu để Việt Nam hướng đến môi trường kinh doanh năng động.

Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp quý doanh nghiệp hiểu thêm về Quy định con dấu theo Luật Doanh nghiệp 2020. Hãy liên hệ DNG Business qua HOTLINE 0915 888 404 hoặc 02363 707 404 để được tư vấn trực tiếp chuyên sâu và chính xác hơn đối với những thắc mắc về Thủ tục Thành lập Công ty tại Đà Nẵng.

Chúc Quý Doanh nghiệp luôn thành công trên con đường kinh doanh của mình.

 

Xem thêm: Thành lập công ty du lịch tại Đà Nẵng

 

Điểm mới về con dấu doanh nghiệp áp dụng từ 01/01/2021